Giá trị chính trị Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh là một nhà chính trị có những đóng góp vô cùng quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Có lẽ trong lịch sử dân tộc Việt Nam, không có nhân vật nào được nhiều người nghiên cứu, giải thích và mô phỏng như Hồ Chí Minh. Sự mô phỏng và giải thích với nhiều mục đích khác nhau dẫn đến nhiều cách hiểu về Hồ Chí Minh khác nhau nhưng nhìn chung những gì mà Hồ Chí Minh để lại lớn hơn nhiều, phong phú hơn nhiều so với tất cả những gì mà người ta vẫn nói. Cho đến nay, phần lớn các nhà nghiên cứu vẫn xoay quanh việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh mà không nhận ra rằng cái tạo ra chất lượng của nhà chính trị Hồ Chí Minh chính là các giá trị chính trị và các giá trị văn hoá của ông. Tôi cho rằng cần phải nghiên cứu các giá trị Hồ Chí Minh chứ không phải là tư tưởng Hồ Chí Minh. Quá trình nghiên cứu các giá trị của Hồ Chí Minh giúp tôi đi đến kết luận rằng giá trị chính trị của Hồ Chí Minh là giá trị hành vi, văn hoá chính trị của Hồ Chí Minh là văn hoá hành vi. Nếu xem người sáng tạo ra các lý thuyết là nhà tư tưởng thì Hồ Chí Minh không hoàn toàn là nhà tư tưởng. Hồ Chí Minh là một người hành động có chất lượng tư tưởng. Hồ Chí Minh không có hành động ngẫu nhiên, tất cả hành động của ông đều có khuynh hướng rất rõ ràng. Nghiên cứu các hành động của ông chúng ta sẽ thấy ông hành động có tiêu chuẩn và hành động trên trên nhiều nền tảng, nhiều phong cách, nhiều khuynh hướng tư tưởng khác nhau chứ không phải chỉ trên một khuynh hướng tư tưởng. Do mật độ các hành vi lên trên nhiều khuynh hướng khác nhau mà đôi lúc các khuynh hướng của Hồ Chí Minh có chất lượng tư tưởng. Chủ nghĩa yêu nước ở Hồ Chí Minh là một ví dụ. Nghiên cứu Hồ Chí Minh chúng ta có thể thấy chất lượng yêu nước có mặt trong rất nhiều hành động của ông. Thông qua mật độ của các hành vi yêu nước chúng ta có thể thấy rằng Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa yêu nước. Và đó chỉ là một trong số các khuynh hướng đa dạng được thể hiện thông qua hành động của ông. Nhưng những người sau Hồ Chí Minh và cả những người nghiên cứu Hồ Chí Minh dường như không nhận ra điều đó. Họ không diễn dịch các hành vi của Hồ Chí Minh mà đi tìm những lời nói rành mạch rõ ràng và xếp nó vào kho tư tưởng. Chính vì thế các giá trị Hồ Chí Minh luôn nằm ngoài tầm tay của họ. Kết quả là các giá trị Hồ Chí Minh vẫn có thể bị ai đó lợi dụng nhằm bảo vệ lợi ích riêng. Có thể nói rằng sự nhận thức một cách không khoa học về các giá trị của Hồ Chí Minh khiến cho những giá trị ấy trượt ra bên ngoài sự kiểm soát cả chính trị lẫn văn hoá và do đó chúng không được sử dụng một cách tiết kiệm và thận trọng đối với vận mệnh của dân tộc Việt Nam.

docx15 trang | Chia sẻ: haohao89 | Lượt xem: 1932 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giá trị chính trị Hồ Chí Minh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Giá trị chính trị Hồ Chí Minh Cho đến nay, phần lớn các nhà nghiên cứu vẫn xoay quanh việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh mà không nhận ra rằng cái tạo ra chất lượng của nhà chính trị Hồ Chí Minh chính là các giá trị chính trị và các giá trị văn hoá của ông. Tôi cho rằng cần phải nghiên cứu các giá trị Hồ Chí Minh chứ không phải là tư tưởng Hồ Chí Minh... I. ĐI TÌM GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC CỦA HỒ CHÍ MINH Hồ Chí Minh là một nhà chính trị có những đóng góp vô cùng quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Có lẽ trong lịch sử dân tộc Việt Nam, không có nhân vật nào được nhiều người nghiên cứu, giải thích và mô phỏng như Hồ Chí Minh. Sự mô phỏng và giải thích với nhiều mục đích khác nhau dẫn đến nhiều cách hiểu về Hồ Chí Minh khác nhau nhưng nhìn chung những gì mà Hồ Chí Minh để lại lớn hơn nhiều, phong phú hơn nhiều so với tất cả những gì mà người ta vẫn nói.  Cho đến nay, phần lớn các nhà nghiên cứu vẫn xoay quanh việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh mà không nhận ra rằng cái tạo ra chất lượng của nhà chính trị Hồ Chí Minh chính là các giá trị chính trị và các giá trị văn hoá của ông. Tôi cho rằng cần phải nghiên cứu các giá trị Hồ Chí Minh chứ không phải là tư tưởng Hồ Chí Minh. Quá trình nghiên cứu các giá trị của Hồ Chí Minh giúp tôi đi đến kết luận rằng giá trị chính trị của Hồ Chí Minh là giá trị hành vi, văn hoá chính trị của Hồ Chí Minh là văn hoá hành vi. Nếu xem người sáng tạo ra các lý thuyết là nhà tư tưởng thì Hồ Chí Minh không hoàn toàn là nhà tư tưởng. Hồ Chí Minh là một người hành động có chất lượng tư tưởng. Hồ Chí Minh không có hành động ngẫu nhiên, tất cả hành động của ông đều có khuynh hướng rất rõ ràng. Nghiên cứu các hành động của ông chúng ta sẽ thấy ông hành động có tiêu chuẩn và hành động trên trên nhiều nền tảng, nhiều phong cách, nhiều khuynh hướng tư tưởng khác nhau chứ không phải chỉ trên một khuynh hướng tư tưởng. Do mật độ các hành vi lên trên nhiều khuynh hướng khác nhau mà đôi lúc các khuynh hướng của Hồ Chí Minh có chất lượng tư tưởng.  Chủ nghĩa yêu nước ở Hồ Chí Minh là một ví dụ. Nghiên cứu Hồ Chí Minh chúng ta có thể thấy chất lượng yêu nước có mặt trong rất nhiều hành động của ông. Thông qua mật độ của các hành vi yêu nước chúng ta có thể thấy rằng Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa yêu nước. Và đó chỉ là một trong số các khuynh hướng đa dạng được thể hiện thông qua hành động của ông. Nhưng những người sau Hồ Chí Minh và cả những người nghiên cứu Hồ Chí Minh dường như không nhận ra điều đó. Họ không diễn dịch các hành vi của Hồ Chí Minh mà đi tìm những lời nói rành mạch rõ ràng và xếp nó vào kho tư tưởng. Chính vì thế các giá trị Hồ Chí Minh luôn nằm ngoài tầm tay của họ. Kết quả là các giá trị Hồ Chí Minh vẫn có thể bị ai đó lợi dụng nhằm bảo vệ lợi ích riêng. Có thể nói rằng sự nhận thức một cách không khoa học về các giá trị của Hồ Chí Minh khiến cho những giá trị ấy trượt ra bên ngoài sự kiểm soát cả chính trị lẫn văn hoá và do đó chúng không được sử dụng một cách tiết kiệm và thận trọng đối với vận mệnh của dân tộc Việt Nam.  Chúng ta phải thấy rằng, Hồ Chí Minh tạo ra thành tựu chính trị của mình bằng cảm nhận tự nhiên của một con người và đó là nguồn nguyên liệu tạo ra lý luận chính trị Hồ Chí Minh. Cần phải tiếp cận Hồ Chí Minh một cách khách quan hơn, khoa học hơn và đó chỉ có thể là nghiên cứu các giá trị của Hồ Chí Minh. Mục đích của tôi trong việc nghiên cứu giá trị Hồ Chí Minh trước hết là để trả lại cho Hồ Chí Minh các giá trị tự nhiên của một con người chứ không phải là một người được thần thánh hóa. Nhưng điều quan trọng hơn và có nhiều ý nghĩa hơn là nghiên cứu Hồ Chí Minh để tìm ra những giá trị có ích cho đời sống chính trị Việt Nam, để biến các giá trị ấy trở thành tấm đệm chính trị hay điểm xuất phát cho một quá trình chính trị mới. Hồ Chí Minh là một nhà chính trị có những giá trị vượt thời gian và quan trọng hơn là có giá trị đương đại. Sự tồn tại của những giá trị Hồ Chí Minh ngay cả khi ông đã mất dường như tiềm ẩn một sức mạnh chính trị mà nếu được khai thác thì sẽ có ý nghĩa như một giải pháp cho một dân tộc có lịch sử chính trị phức tạp như Việt Nam, một dân tộc có cuộc chiến tranh giải phóng dài nhất thế giới và những cuộc đụng độ với những đối tượng lớn nhất thế giới.  II. CÁC GIÁ TRỊ CHÍNH TRỊ HỒ CHÍ MINH  1. Sự phải chăng chính trị Giá trị trước hết và cơ bản nhất của Hồ Chí Minh là sự phải chăng chính trị, kết quả của sự đa dạng của đời sống tinh thần Hồ Chí Minh. Tính phải chăng chính trị đã được lý thuyết hóa ở Phương Tây bằng sự có mặt của các phái trung dung như "Trung hữu", "Trung tả" trong các hệ thống chính trị và cái hay của nó là ở chỗ sự phải chăng ở những thời điểm khác nhau đôi lúc rất khác nhau. Tìm kiếm những giá trị phải chăng của nền văn hoá chính trị hoặc của hệ thống chính trị là một trong những nội dung quan trọng của khoa học chính trị. Sự phải chăng chính trị là một khái niệm mang chất lượng học thuật. Có thể thấy rằng trong lịch sử chính trị Việt Nam, Hồ Chí Minh là một nhà chính trị có giá trị thủ lĩnh gần như duy nhất. Trước Hồ Chí Minh có rất nhiều người bắt đầu làm chính trị với trình độ học vấn rất cao như Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Trãi... nhưng họ chỉ làm với tư cách là mưu sĩ, tức người đảm bảo sự đúng đắn về mặt trí tuệ cho các hành vi của thủ lĩnh chính trị chứ không phải với tư cách một thủ lĩnh chính trị. Hồ Chí Minh gần như là người duy nhất khi tham gia chính trị đã tìm con đường để đứng vào địa vị người thủ lĩnh và ông là người làm điều đó một cách thành công nhất. Có một điểm đặc biệt ở Hồ Chí Minh là ông là một thủ lĩnh chính trị không nông dân gần như duy nhất trong lịch sử chính trị Việt Nam. Chúng ta có rất nhiều thủ lĩnh chính trị là những người đã sáng tạo ra các triều đại và hầu hết trong số họ đều có nguồn gốc từ hào trưởng và liên quan đến nông dân. Nhưng Hồ Chí Minh thì khác, ông xuất thân từ một gia đình quý tộc lớp dưới, một gia đình khoa bảng. Trong thế kỷ XX cũng xuất hiện nhiều nhà chính trị nhưng không ai đạt được đến giá trị cuối cùng như Hồ Chí Minh. Những người thành công nhất trước Hồ Chí Minh có lẽ là Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu và Nguyễn Thái Học nhưng họ không tạo ra được ảnh hưởng hay không tạo ra được thành tựu và các trường phái chính trị như Hồ Chí Minh. Rất nhiều người cho rằng, Hồ Chí Minh đạt được những thành tựu như vậy là do đã đi theo và sử dụng chủ nghĩa cộng sản, sử dụng lý thuyết của Marx trong việc xây dựng đảng chính trị của mình cũng như tổ chức phong trào chính trị trong nước, nhưng cá nhân tôi không nghĩ thế. Tôi cho rằng, những thành tựu mà Hồ Chí Minh đạt được chính là kết quả của sự phải chăng về chính trị.  Sự phải chăng chính trị thể hiện rõ nhất ở văn hóa hành vi của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là người có kinh nghiệm văn hoá của nhiều nền văn hoá. Ông đã từng lăn lộn trong nhiều cuộc sống khác nhau và do đó ông có kinh nghiệm sống trong nhiều nền văn hoá hay nhiều tầng khác nhau của một nền văn hoá. Hồ Chí Minh biết tiếp nhận và hấp thụ một cách chọn lọc tinh hoa của nhiều nền văn hoá khác nhau, nhiều hệ giá trị khác nhau. Điều đó làm nên sự đa dạng trong đời sống tinh thần của Hồ Chí Minh. Cuộc sống, về bản chất, là đa dạng, cuộc sống càng phong phú thì tính đa dạng càng lớn. Hồ Chí Minh là người có cuộc sống phong phú, vì vậy, một cách tự nhiên ông là người rất đa dạng về tinh thần. Chính sự đa dạng tinh thần đã giúp Hồ Chí Minh có khả năng tập hợp được một phổ rất rộng các lực lượng, các khuynh hướng chính trị để tiến hành Cách mạng tháng Tám.  Toàn bộ bí mật của sự phát triển chính trị của những năm 30 của thế kỷ XX ở Việt Nam chính là việc nhân dân phát hiện ra Hồ Chí Minh và ủng hộ ông. Tất nhiên ông cũng có những cách thức để xuất hiện, để làm cho nhân dân thấy mình, nhưng nếu nhân dân không thiếu gì cả, nhân dân không đi tìm gì cả và ông không có cái mà nhân dân đi tìm thì nhân dân đã không chọn ông, dân tộc này đã không chọn ông. Vậy cái gì làm cho nhân dân đi tìm một con người như Hồ Chí Minh, và cái gì ở Hồ Chí Minh mà nhân dân tìm thấy? Thời đó chúng ta phải đối mặt với sự khinh miệt của những tên thực dân, nhân dân ta không được xem là người. Đại bộ phận nhân dân sống trong nghèo đói, lam lũ, họ không hiểu tự do là gì và do đó họ không đi tìm tự do. Đối với bộ phận đã từng là con người thì họ đi tìm lại cảm giác làm người của mình và đối với bộ phận đông đảo còn lại là đi tìm năng lực trả thù của mình. Những người lao động, những người nông dân, những người nghèo khổ không đi tìm thân phận con người mà đi tìm cuộc sống thông thường, đi tìm sự tồn tại. Họ mất gạo, họ mất muối, họ đi tìm gạo tìm muối, tìm những thứ giúp họ sống và tồn tại chứ họ chưa đi tìm hình dáng con người của mình. Nhưng đối với một số người, nhất là giới trí thức thì họ đi tìm lại giá trị con người. Giới trí thức tìm thấy ở Hồ Chí Minh nghị lực của một người có thể tập hợp được mình, còn nhân dân nhìn thấy ở Hồ Chí Minh sự cảm thông cùng với những năng lực có thể tạo ra sự đột phá, tạo ra sức mạnh để đòi lại các điều kiện sống của ông. Hồ Chí Minh được phát hiện vì ông gần gũi một cách tự nhiên với những nhu cầu của nhân dân lúc bấy giờ.  Tuỳ thuộc vào mức độ giác ngộ khác nhau của trí tuệ của nhân dân mà mỗi một người đặt vào Hồ Chí Minh những kỳ vọng có mức độ khác nhau. Sở dĩ người ta có thể tìm thấy Hồ Chí Minh ở nhiều mức độ khác nhau như vậy là bởi vì Hồ Chí Minh cũng biết rằng con người đòi hỏi ở các nhà chính trị những mức độ khác nhau. Đấy chính là trí tuệ chính trị của Hồ Chí Minh. Ông phân tích được các thực tế nhân dân Việt Nam, thực tế xã hội Việt Nam, và đoán định được nhu cầu của người dân Việt Nam, trong đó có cả giới trí thức. Hồ Chí Minh hấp dẫn những người nghèo khổ là ở chỗ ông thể hiện dưới hình thức văn hoá năng lực cảm nhận, thông hiểu con người Việt Nam. Hồ Chí Minh chủ động thắp sáng những vùng khác nhau trong lộ trình chính trị của mình để hấp dẫn những cách nhìn, những cách đặt yêu cầu khác nhau của nhân dân. Hồ Chí Minh hiểu rất rõ về giới trí thức Việt Nam, ông biết phác thảo ra những bức tranh chính trị, những chân dung tương lai chính trị cho giới trí thức Việt Nam và do đó ông hấp dẫn giới trí thức Việt Nam. Có thể nói Hồ Chí Minh phát hiện ra nhân dân trước khi nhân dân phát hiện ra ông. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu động lực để tạo ra sự thành công của cuộc cách mạng chính là những người lao động, chính là những người nông dân, chính là cái hơi ngun ngút của lòng căm thù chủ nghĩa thực dân. Hồ Chí Minh nhìn thấy điều ấy trong Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lenin. Ông đi tìm con đường để giải phóng nhân dân mình và nhìn thấy ở trong chủ nghĩa cộng sản khả năng ấy. Ông nhìn thấy khả năng được nhân dân ủng hộ nếu sử dụng các nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, bởi vì đại bộ phận nhân dân chúng ta là lao khổ, là lam lũ, cho nên họ là những người dễ cảm thông nhất với các nguyên lý của những người cộng sản. Nhưng những con người lam lũ ấy không phải là những người vô sản, họ là những người nông dân nghèo khổ đang có khát vọng thoát ra khỏi trạng thái nghèo khổ của mình để làm tiểu chủ. Có thể thấy rằng Hồ Chí Minh chỉ là một người cộng sản về mặt phương pháp chứ không phải về mặt tâm hồn. Hồ Chí Minh khoác áo cộng sản để tìm kiếm lực lượng từ bên ngoài, khoác áo nông dân để huy động lực lượng từ bên trong. Tâm hồn của Hồ Chí Minh thuộc về nông dân, còn trí khôn của ông thuộc về người cộng sản. Hay nói cách khác, cộng sản là bộ phận trí tuệ của Hồ Chí Minh chứ không phải là tâm hồn của ông. Qua những phân tích ở trên chúng ta có thể thấy Hồ Chí Minh là một ngã năm chính trị, tức là ở ông luôn có sự kết hợp của nhiều khuynh hướng nhận thức, khuynh hướng văn hoá và khuynh hướng chính trị khác nhau. Sự đa dạng ấy, như đã nói, là kết quả của sự đa dạng các giá trị văn hóa mà ông tiếp thu được từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Trong số đó, tư tưởng văn hóa quan có ảnh hưởng lớn nhất đối với Hồ Chí Minh chính là chủ nghĩa nhân văn Pháp. Chủ nghĩa nhân văn là một khái niệm không hề xa lạ với chúng ta bởi vì nguồn gốc sự phát triển của hệ thống tư tưởng xã hội chủ nghĩa là chủ nghĩa nhân văn. Bản chất của chủ nghĩa nhân văn chân chính chính là sự hiểu và tôn trọng các giá trị con người và do đó nó ngăn cản mọi sự cực đoan. Chính chủ nghĩa nhân văn Pháp đã tạo tiền đề văn hoá cho tính phải chăng về chính trị, tính phải chăng về văn hoá của Hồ Chí Minh. Chính vì thế mà các giá trị Hồ Chí Minh có sức tồn tại bền vững. Nếu Hồ Chí Minh xây dựng sự phải chăng chính trị của mình dựa trên lý luận chứ không phải trên các quan điểm văn hoá, trên sự đa dạng văn hóa thì chưa chắc đã có sự bền vững như vậy. Sự phải chăng về mặt chính trị phải dựa trên nền tảng sự phải chăng về văn hóa. Nếu con người không được giáo dục sự phải chăng về mặt văn hoá thì không thể phải chăng về mặt chính trị. Chính sự phải chăng chính trị làm Hồ Chí Minh hấp dẫn cả phương Đông lẫn phương Tây.  Người có sự đa dạng tinh thần là người mà tại mỗi thời điểm có nhiều phương án tâm hồn, phương án tinh thần khác nhau. Sự đa dạng tinh thần đó giúp con người cảm thông với nhiều loại hình khác nhau của đời sống hay hiểu rõ và tiếp cận được với nhiều giá trị khác nhau của đời sống. Ở đâu có con người thì những giá trị ở đấy tôi đều cảm thông được, Hồ Chí Minh là con người như thế. Cảm thông với những ý thích khác nhau, với nhiều nền văn hoá khác nhau, với những đặc điểm khác nhau của con người chính là tính đa dạng, là sự phải chăng chính trị của ông. Nói cách khác, sự phải chăng chính trị của Hồ Chí Minh chính là sự tôn trọng tính đa dạng của đời sống tinh thần của con người.  Nghiên cứu Hồ Chí Minh và giá trị chính trị của Hồ Chí Minh là một công việc khó cũng chính bởi ông là ngã năm chính trị, ngã năm văn hóa, có Đông, có Tây, có Nam, có Bắc và có cả chiều sâu của quá khứ. Nhưng cũng chính điều đó làm nên một Hồ Chí Minh hấp dẫn và thành đạt và cũng bởi thế mà có sự phân biệt giữa giá trị chính trị Hồ Chí Minh với các giá trị chính trị khác.  2. Tài năng tạo ra tâm lý thời bình ngay cả trong thời chiến  Hồ Chí Minh là một nhà chính trị có những địa vị không thể nào so sánh được, có những giá trị không thể nào nhầm lẫn được. Một trong các giá trị quan trọng nhất tạo ra tính không thể nhầm lẫn đó là tài năng tạo ra tâm lý thời bình ngay cả trong thời chiến. Khi Johnson đưa nửa triệu quân Mỹ sang Việt Nam và mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Hồ Chí Minh đã đưa ra một thông điệp cứu quốc trong đó có đoạn: "Này Tổng thống Johnson, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác có thể bị tàn phá nhưng nhân dân Việt Nam quyết không sợ..."Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ." Lời tuyên chiến ấy giống như phản ứng của một con người đang cày dở thửa ruộng, đang dở dang một công việc rất thông thường của đời sống con người, tức là ông không dập tắt tâm lý hoà bình ngay cả khi viết lời tuyên chiến. Hồ Chí Minh đủ tầm nhìn để hình dung ra kết cục của cuộc kháng chiến từ khi nó chưa kết thúc. "Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy, gộc..." Ông xếp súng, gươm, cuốc, thuổng, gậy gộc với nhau tức là xếp những công cụ lao động hòa bình cùng với các công cụ chiến tranh hiện đại, làm cho ngôn ngữ chiến tranh dù rất mạnh mẽ, thôi thúc nhưng giọng điệu lại rất hòa bình. Đấy chính là thiên tài. Một con người trong tâm tưởng phải hình dung ra kết cục của cuộc chiến tranh khi nó chưa kết thúc thì mới có đủ trí tuệ để tổ chức ra tâm lý hoà bình. Và đó chính là tầm nhìn chính trị, là sự trung dung vĩ đại của Hồ Chí Minh. Có một thời trong chiến tranh chúng ta cấm hát những bài hát về tình yêu vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý nhất quán của chiến tranh mà không hiểu rằng đó là những nhu cầu tinh thần không thể thiếu của con người. Người ta quên mất rằng nếu những nhu cầu tinh thần như vậy bị tiêu diệt thì con người chỉ còn tình yêu đối với chiến tranh. Vậy chiến tranh kết thúc thì con người sẽ quay về cuộc sống bình thường như thế nào khi con người đã đánh mất các giá trị tinh thần đối với đời sống bình thường ấy? Hơn ai hết, nhà lãnh đạo, nhà chính trị là người cần phải biết chăm sóc những giá trị hòa bình của con người để dẫn dắt con người đi qua một cuộc chiến tranh mà vẫn còn là con người. Hồ Chí Minh nhìn thấy con người trong chiến tranh, sau chiến tranh và hình dung cuộc sống một cách liên tục. Tầm nhìn con người và tầm nhìn chính trị hợp nhất với nhau tạo ra giá trị có ý nghĩa thời đại của Hồ Chí Minh. Nếu nhận thức được điều ấy thì chúng ta sẽ hiểu tại sao Hồ Chí Minh ngay cả sau khi mất vẫn tiếp tục có giá trị.  Nếu không nghiên cứu Hồ Chí Minh bằng tâm hồn của con người Hồ Chí Minh mà bằng tâm hồn chiến tranh thì không thể tìm ra giá trị Hồ Chí Minh đích thực được. Tài năng tổ chức tâm lý thời bình ngay cả trong thời chiến thể hiện sâu sắc sự phải chăng chính trị hay sự đa dạng của đời sống tinh thần Hồ Chí Minh. Sở dĩ Hồ Chí Minh có được tài năng ấy là do ông tuân thủ phép biện chứng về sự đa dạng của đời sống tinh thần con người. Có thể nói, giá trị chính trị sau khi chết của Hồ Chí Minh là tầm nhìn chính trị của Hồ Chí Minh về thân phận của con người, về cơ cấu tâm lý của con người, về phép biện chứng tâm hồn của con người. Chúng ta còn thấy cả điều này trong chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh. 3. Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh Chủ nghĩa yêu nước cũng là một giá trị của Hồ Chí Minh, nó không chỉ là một giá trị nhân văn mà còn là một giá trị chính trị. Thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám và của cả mấy cuộc chiến tranh trong nửa thế kỷ XX ở Việt Nam chính là kết quả của chủ nghĩa yêu nước mà Hồ Chí Minh là đại diện tiêu biểu. Có thể nói, giá trị yêu nước là một trong các giá trị quan trọng nhất và phổ biến nhất của Hồ Chí Minh. Chúng ta có nhiều nhà chính trị yêu nước hay nói cách khác chủ nghĩa yêu nước không phải là độc quyền của Hồ Chí Minh. Nhưng Hồ Chí Minh trở thành nhân vật tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là bởi vì ông là nhà chính trị thành công nhất ở Việt Nam. Phần lớn những phẩm chất trong các giá trị được gọi là thiên tài của Hồ Chí Minh là kết quả của sự chung thủy với các sứ mệnh chứ không phải là sự kiên nhẫn thông thường. Hồ Chí Minh là người có mục tiêu chính trị rõ ràng và suốt cả cuộc đời ông đi tìm mục tiêu ấy. "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Đối với Hồ Chí Minh, nhân dân là tất cả nội dung cuộc sống của ông, nội dung chính trị của ông. Nhiều người cho rằng Hồ Chí Minh là một nhà dân tộc chủ nghĩa vì ông luôn luôn đặt giải phóng dân tộc lên nhiệm vụ hàng đầu. Một nhà dân tộc chủ nghĩa có thể là người không phải chăng về chính trị, một người dân tộc chủ nghĩa có thể không phải là một người có trình độ văn hoá và sự phát triển văn hoá cao, nhưng Hồ Chí Minh lại là người có trình độ văn hoá phát triển ở mức rất cao. Hồ Chí Minh là một người yêu nước chủ nghĩa chứ không thuần túy là một nhà dân tộc chủ nghĩa. Hồ Chí Minh tôn thờ độc lập dân tộc chứ không phải tôn thờ dân tộc bởi vì hơn ai hết, Hồ Chí Minh biết rõ những nhược điểm của dân tộc mình. Một kẻ dân tộc chủ nghĩa thì chỉ nhìn thấy dân tộc của mình còn người yêu nước là một người nhìn thấy dân tộc của mình trong mối tương quan với những dân tộc khác. Vì theo chủ nghĩa yêu nước cho nên Hồ Chí Minh không trở thành một người theo chủ nghĩa Marxist cực đoan được. Ở đây ranh giới giữa yêu nước chủ nghĩa và dân tộc chủ nghĩa cũng phản ánh sự phải chăng chính trị của Hồ Chí Minh. Sự phải chăng chính trị đã ngăn con người Hồ Chí Minh không trở thành một người cộng sản cực đoan hay một người dân tộc chủ nghĩa cực đoan và bảo tồn nguyên vẹn tính đa dạng tinh thần của Hồ Chí Minh. Chúng ta vẫn nói về việc Hồ Chí Minh kêu gọi đoàn kết nhưng dường như không mấy ai nghiên cứu xem ông làm thế nào để kêu gọi đoàn kết. Hồ Chí Minh kêu gọi đoàn kết bằng sự phải chăng chính trị của mình chứ không chỉ thuần t