Quan điểm của A.Anh-Xtanh về quan hệ giữa tôn giáo và khoa học

Theo Anhxtanh, tôn giáo và khoa học có mối quan hệ với nhau. Trong khi trao đổi với Peter A. Bucky, Anhxtanh nói: “Khoa học mà không có tôn giáo thì khập khiểng, trái lại tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng” (Science without religion is lame and, conversely, religion without science is blind) (1). Đồng thời, Anhxtanh cũng trăn trở rất nhiều về vấn đề Thượng đế. Quan điểm về tôn giáo và Thượng đế của Anhxtanh rất tế nhị và sâu sắc nên ít người hiểu đúng thực chất của nó, do đó nhiều nhà thần học cho rằng Anhxtanh đứng về phía họ. Những người theo tôn giáo thường lấy Anhxtanh để bào chữa cho niềm tin của họ. Họ nói: “Đến Anhxtanh cũng tin vào Thượng đế, chẳng lẽ bạn còn tài giỏi hơn cả Anhxtanh à”. Thực ra, Anhxtanh đứng trên quan điểm vô thần, hay nói đúng hơn là phiếm thần luận (Pantheism)*. Ông có nói đến “tình cảm tôn giáo” và “Thượng đế” và “Thiên đường” của mình, nhưng đó là một cách tiếp cận hoàn toàn khác với quan niệm tôn giáo thông thường. Sống và hoạt động trong một xã hội mà trên 90% dân số theo tôn giáo và Kinh thánh là quyển sách gối đầu giường của họ, thì một nhà khoa học không thể không trăn trở về những vấn đề mà tôn giáo nêu ra. Ông nói: “Bất cứ người nào mà không biết tự chất vấn về những sự thật trong tôn giáo và trong khoa học thì có thể coi như đã chết rồi” (2). Theo Anhxtanh, khoa học và tôn giáo có một điểm tương đồng là cảm xúc ngưỡng mộ, kinh ngạc, khiếp sợ trước những điều huyền diệu của thế giới với lòng mong mỏi khám phá ra chúng. Và nhiều khi Anhxtanh coi cái xúc cảm đó là một thứ tình cảm tôn giáo và đó cũng là một trong những nguồn gốc của sáng tạo khoa học của của mình. Anhxtanh nói: “Sự cảm nhận đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể có được là cái huyền diệu. Nó là xúc cảm cơ bản, cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Bất cứ người nào không nhận thức nó, không còn tự hỏi về nó, không còn kinh ngạc về nó thì cũng như đã chết và con mắt của người đó đã mờ tối rồi”. Ông nói tiếp: “Tôi tin vào sự huyền diệu, và thú thật, nhiều khi tôi đối mặt với nó với sự kinh sợ. Nói cách khác, tôi nghĩ rằng có nhiều điều trong vũ trụ mà chúng ta chưa thể cảm nhận và thâm nhập được và chúng ta cũng chỉ mới nhận thức được một ít trong số những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống dưới một hình thức rất sơ khai mà thôi. Chỉ trong mối liên hệ với những điều huyền diệu đó, tôi mới coi mình là người có tôn giáo. Nhưng tôi cảm nhận những điều đó một cách sâu sắc” (3).

doc9 trang | Chia sẻ: haohao89 | Lượt xem: 2808 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quan điểm của A.Anh-Xtanh về quan hệ giữa tôn giáo và khoa học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
QUAN ĐIỂM CỦA A. ANH-XTANH VỀ QUAN HỆ GIỮA TÔN GIÁO VÀ KHOA HỌC PGS.TS. Nguyễn Tấn Hùng (Đăng trong Tạp chí Lý luận chính trị, số 3 tháng 3-2003, tr. 53-58)   Anbe Anhxtanh (Albert Einstein, 1879-1955) là người Đức gốc Do Thái. Năm 1933 ông di cư sang Mỹ để lánh nạn Đức Quốc xã và từ đó nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở Đại học Princeton. Anhxtanh là người phát minh ra Thuyết tương đối với công thức E=mc2 nổi tiếng. Ngoài ra, ộng còn nghiên cứu và phát biểu quan điểm của mình về nhiều vấn đề quan trọng, từ vấn đề triết học đến vấn đề chính trị, đạo đức, tôn giáo.   Theo Anhxtanh, tôn giáo và khoa học có mối quan hệ với nhau. Trong khi trao đổi với Peter A. Bucky, Anhxtanh nói: “Khoa học mà không có tôn giáo thì khập khiểng, trái lại tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng” (Science without religion is lame and, conversely, religion without science is blind) (1). Đồng thời, Anhxtanh cũng trăn trở rất nhiều về vấn đề Thượng đế. Quan điểm về tôn giáo và Thượng đế của Anhxtanh rất tế nhị và sâu sắc nên ít người hiểu đúng thực chất của nó, do đó nhiều nhà thần học cho rằng Anhxtanh đứng về phía họ. Những người theo tôn giáo thường lấy Anhxtanh để bào chữa cho niềm tin của họ. Họ nói: “Đến Anhxtanh cũng tin vào Thượng đế, chẳng lẽ bạn còn tài giỏi hơn cả Anhxtanh à”. Thực ra, Anhxtanh đứng trên quan điểm vô thần, hay nói đúng hơn là phiếm thần luận (Pantheism)*. Ông có nói đến “tình cảm tôn giáo” và “Thượng đế” và “Thiên đường” của mình, nhưng đó là một cách tiếp cận hoàn toàn khác với quan niệm tôn giáo thông thường. Sống và hoạt động trong một xã hội mà trên 90% dân số theo tôn giáo và Kinh thánh là quyển sách gối đầu giường của họ, thì một nhà khoa học không thể không trăn trở về những vấn đề mà tôn giáo nêu ra. Ông nói: “Bất cứ người nào mà không biết tự chất vấn về những sự thật trong tôn giáo và trong khoa học thì có thể coi như đã chết rồi” (2). Theo Anhxtanh, khoa học và tôn giáo có một điểm tương đồng là cảm xúc ngưỡng mộ, kinh ngạc, khiếp sợ trước những điều huyền diệu của thế giới với lòng mong mỏi khám phá ra chúng. Và nhiều khi Anhxtanh coi cái xúc cảm đó là một thứ tình cảm tôn giáo và đó cũng là một trong những nguồn gốc của sáng tạo khoa học của của mình. Anhxtanh nói: “Sự cảm nhận đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể có được là cái huyền diệu. Nó là xúc cảm cơ bản, cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Bất cứ người nào không nhận thức nó, không còn tự hỏi về nó, không còn kinh ngạc về nó thì cũng như đã chết và con mắt của người đó đã mờ tối rồi”. Ông nói tiếp: “Tôi tin vào sự huyền diệu, và thú thật, nhiều khi tôi đối mặt với nó với sự kinh sợ. Nói cách khác, tôi nghĩ rằng có nhiều điều trong vũ trụ mà chúng ta chưa thể cảm nhận và thâm nhập được và chúng ta cũng chỉ mới nhận thức được một ít trong số những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống dưới một hình thức rất sơ khai mà thôi. Chỉ trong mối liên hệ với những điều huyền diệu đó, tôi mới coi mình là người có tôn giáo. Nhưng tôi cảm nhận những điều đó một cách sâu sắc” (3). Anhxtanh bác bỏ mục đích luận của thần học là quan niệm coi mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội đều được Thượng đế sáng tạo ra theo một mục đích nhất định; và những điều huyền diệu của thế giới mà ông nói đến không phải là những cái “thần bí” theo quan niệm tôn giáo thông thường, tức là những cái chỉ có Thượng đế mới biết được. Ông nói: “Tôi không bao giờ quy cho giới tự nhiên một ý đồ, một mục đích, hoặc bất một cái gì có thể được hiểu như là nhân cách hóa. Điều mà tôi nhận thấy được trong tự nhiên đó là một cấu trúc tuyệt vời mà chúng ta mới chỉ có thể hiểu được một cách rất không hoàn hảo, và điều đó không tránh khỏi đem lại cho con người đang tư duy một tình cảm khiêm nhường (a feeling of humility). Đó là một tình cảm tôn giáo chân chính (a genuinely religious feeling), nó không liên quan gì đến chủ nghĩa thần bí (mysticism) cả” (4). Nhiều người không hiểu điều đó nên đã coi Anhxtanh là người có tôn giáo theo cách hiểu thông thường và Anhxtanh đã phản đối điều đó một cách khá gay gắt. Ngày 22 tháng 3 năm 1954, một người thợ máy ở Mỹ đọc được một bài báo nói về tôn giáo của Anhxtanh, nhưng anh ta không tin nên viết thư cho Anhxtanh để hỏi cho rõ. Anhxtanh trả lời vào ngày 24 tháng 3 như sau: “Tất nhiên đó là một điều bịa đặt mà anh đã đọc được về niềm tin tôn giáo của tôi, một sự bịa đặt được lặp đi lặp lại một cách có hệ thống. Tôi không tin vào một vị Thượng đế có nhân tính (a personal God) và tôi đã không bao giờ phủ nhận điều đó, mà trái lại tôi đã bày tỏ một cách rõ ràng. Nếu có gì đó trong tôi có thể được coi là tôn giáo thì đó chỉ là một sự ngưỡng mộ vô hạn về cấu trúc của thế giới trong chừng mực khoa học có thể khám phá ra được” (5). Điều phi lý và mâu thuẫn trong các sách thánh, cơ sở giáo lý của các tôn giáo dựa trên sự mặc khải của Thượng đế mà bất cứ một người nào có tư duy nghiêm túc cũng đều có thể phát hiện ra là: một vị Thượng đế có năng lực nhận thức và năng lực sáng tạo vô biên, một Thượng đế nhận thức được tất cả (all-knowing), một vị Thượng đế toàn năng (all-powerful) mà lại tạo ra những phế phẩm đến nỗi phải bất lực trước sản phẩm của mình, phải “hối hận và buồn rầu” vì đã trót làm ra loài người và rốt cục phải dùng một trận “đại hồng thủy” để tiêu diệt những tạo vật do mình sáng tạo ra. Điều phi lý hơn nữa là một vị Thượng đế được mô tả là có tình thương yêu cao cả đối với con người, có tình cảm với con người như tình cảm của người cha đối với con cái, thậm chí còn hóa thân thành con người, xuống trần gian chịu đóng đinh để chuộc tội cho loài người, mà lại hẹp lòng đến nỗi trừng phạt loài người vĩnh viễn vì hai con người đầu tiên đã trót ăn quả cấm (quan niệm về tội tổ tông). Ta hãy nghe Anhxtanh trăn trở: “Nếu Thượng đế có quyền lực vô hạn thì tất cả mọi điều diễn ra bao gồm mọi hành động, mọi suy nghĩ, mọi tình cảm và mọi nguyện vọng của con người cũng đồng thời là sản phẩm của Ngài; thì làm sao có thể nghĩ rằng con người phải chịu trách nhiệm về những việc làm và suy nghĩ của mình trước một Thực thể vạn năng? Bằng cách trừng phạt và ban thưởng, trong chừng mực nào đó có thể nói Thượng đế đang phán xét chính bản thân mình. Làm sao có thể kết hợp điều này với lòng nhân ái và sự chính trực mà Ngài đã được mô tả” (6) . Từ những trăn trở đó, Anhxtanh đi đến khẳng định một cách thẳng thừng rằng ông không tin vào một vị Thượng đế có nhân tính (a personal God), một Thượng đế được nhân cách hóa (an anthropomorphic God) được mô tả trong Kinh Cựu ước và các sách thánh của đạo Do Thái, đạo Kitô và đạo Hồi, một vị Thượng đế được gán cho những thuộc tính của của con người, như có hình dạng như con người, lấy đất nặn ra con người theo hình dạng của mình, nói tiếng người, có tình cảm yêu thương, giận hờn, ghen tuông, thích nịnh bợ và mặc khải những điều bí mật về thế giới cho một số người mà Thượng đế ưa thích, ban thưởng hay trừng phạt chính sản phẩm do mình sáng tạo ra. Trong Tài liệu lưu trữ về Anhxtanh có một bức thư đề ngày 5-8-1927 do một người chủ ngân hàng ở Colorado, đại diện cho một nhóm trí thức gửi cho Anhxtanh ở Berlin. Trong thư tác giả có cho biết rằng hầu hết các nhà khoa học đều đã từ bỏ quan niệm về hình ảnh một vị Thượng đế đầy râu như một người cha có lòng nhân đức chung quanh có những thiên thần đứng chầu. Sau khi đã hỏi ý kiến 24 nhà khoa học nhận giải thưởng Nobel, nhóm này quyết định hỏi Anhxtanh. Anhxtanh đã ghi mấy dòng chữ trên bức thư (nhưng thư có lẽ không được gửi đi): “Tôi không thể hình dung được một vị Thượng đế có nhân tính, có ảnh hưởng đến hành động của cá nhân, hoặc có thể trực tiếp ngồi phán xét những sản vật của chính sự sáng tạo của mình” (7). Không dừng lại ở đó, Anhxtanh còn vạch ra bản chất của vị Thượng đế đó chính là phản ánh mục đích chủ quan và sự yếu đuối của con người. Ông nói: “Tôi không thể hình dung một vị Thượng đế lại ban thưởng hay trừng phạt những vật do mình sáng tạo ra, một vị Thượng đế mà mục đích được phỏng theo mục đích của chúng ta - tóm lại, một vị Thượng đế chẳng qua chỉ là phản ánh sự bạc nhược của con người mà thôi” (8). Anhxtanh có nói đến vị Thượng đế của mình, nhưng đó là một vị Thượng đế hoàn toàn khác với các tôn giáo trên. Quan niệm Anhxtanh về Thượng đế cũng giống như quan niệm phiếm thần luận của nhà triết học Hà Lan Baruch Spinoza (1632-1677). Spinoza cho rằng giới tự nhiên là thực thể duy nhất, tồn tại độc lập, không do ai sáng tạo ra; Thượng đế cũng chính là giới tự nhiên. Khi Anhxtanh được hỏi: Ông có tin Thượng đế không? Ông trả lời : “Tôi tin vào Thượng đế của Spninoza đã mặc khải chính mình trong sự hài hòa có trật tự của những gì đang tồn tại, chứ không phải một vị Thượng đế liên quan đến số phận và hoạt động của con người” (9) . Là nhà khoa học, Anhxtanh cho rằng giới tự nhiên vận động theo quy luật khách quan không phụ thuộc thần thánh hay con người. Nhà khoa học không thể tin có sự can thiệp của Thượng đế vào các tiến trình khách quan. Chính vì thế, theo Anhxtanh, nhà khoa học không thể tin rằng một lời cầu nguyện có thể thay đổi được tiến trình các sự kiện. Ngày 19 tháng 1 năm 1936, một học sinh lớp 6 ở New York, được sự khuyến khích của thầy giáo đã viết thư cho Anhxtanh ở Princeton hỏi rằng các nhà khoa học có cầu nguyện không, và nếu có thì họ cầu nguyện điều gì? Anhxtanh viết thư trả lời ngày 24 tháng 1 như sau: “Việc nghiên cứu khoa học dựa trên tư tưởng cho rằng tất cả mọi cái diễn ra điều bị quyết định bởi quy luật tự nhiên, và điều này cũng áp dụng cho hoạt động của con người. Vì lẽ đó, một nhà nghiên cứu khoa học khó có khuynh hướng tin rằng những sự kiện lại có thể bị ảnh hưởng bởi một lời cầu nguyện, nghĩa là, một điều mong ước được khấn với một đấng siêu nhiên” (10). Về nguồn gốc hình thành các tôn giáo tôn thờ một vị Thượng đế có nhân tính, với tư cách là chỗ dựa, là cứu tinh, là mục đích tối cao của cuộc sống của con người, Anhxtanh cũng có một cách tiếp cận tương tự như quan điểm mácxít, xem xét tôn giáo ở hai khía cạnh: khía cạnh nhận thức và khía cạnh xã hội. Hai khía cạnh này đan xen lẫn nhau, làm tiền đề cho nhau. Nhu cầu xã hội, sự thống trị giai cấp là yếu tố cơ bản của sự ra đời, tồn tại và phát triển của tôn giáo. Tuy nhiên, yếu tố xã hội phải thông qua yếu tố nhận thức thì mới dẫn đến tình cảm và niềm tin tôn giáo. Ông nói: “Mọi điều mà loài người đã làm và đã nghĩ ra đều có liên quan đến việc thoả mãn những nhu cầu và làm dịu bớt sự đau khổ. Xúc cảm và sự mong muốn là động lực ở đằng sau sự nổ lực và sáng tạo của con người, dù cho chúng có hiện ra trước chúng ta dưới một cái lốt cao siêu như thế nào chăng nữa” (11) . Rõ ràng quan niệm tôn giáo xuất phát từ những sự thật trong cuộc sống và những nhu cầu hiện thực của con người. Những sự thật đó là những sức mạnh tự nhiên và những cái tất yếu khách quan trong đời sống xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày và số phận của con người. Con người có nhu cầu giải thích và chế ngự những lực lượng tự nhiên và xã hội đó. Nhưng do trình độ nhận thức và trình độ thực tiễn xã hội còn thấp kém, người ta chưa thể nhận thức và tìm ra được con đường hiện thực để thỏa mãn những nhu cầu ấy, do đó một bộ phận xã hội đã không tránh khỏi tìm đến con đường ảo tưởng. Niềm tin mù quáng vào những ảo tưởng đó thông qua truyền thống văn hóa được truyền thụ từ thế hệ này đến thế hệ khác. Những thế hệ con cháu của họ ngay từ lúc nhỏ đã được giáo dục gia đình và xã hội áp đặt niềm tin đó và đa số không thể tự giải thoát cho mình, và hơn thế nữa họ còn tin rằng đó là những sự thật và ra sức đấu tranh bảo vệ nó. Lúc đầu, những con người nguyên thuỷ tưởng tượng ra những vị thần khác nhau đại diện cho những sức mạnh tự nhiên và xã hội; về sau với sự hình thành một nhà nước thống nhất với một vị hoàng đế duy nhất, thì quan niệm đa thần được thay thế bằng quan niệm độc thần, tức quan niệm về một vị Thượng đế duy nhất sáng tạo và quyết định mọi trật tự trong tự nhiên và xã hội. Bước tiếp theo của sự phát triển tôn giáo là sự hình thành một tầng lớp tu sĩ có đặc quyền, đặc lợi, với tư cách là sự trung gian giữa những người có nhu cầu tôn giáo với Thượng đế của họ. Tầng lớp này có lợi ích duy trì và phát triển tôn giáo mà họ là người đại biểu. Tôn giáo được củng cố vững chắc hơn khi nó được giai cấp thống trị sử dụng để bảo vệ địa vị và lợi ích ích kỷ của giai cấp đó. Giai cấp thống trị và tầng lớp tu sĩ có lợi ích chung nên cấu kết với nhau một cách chặt chẽ trong việc duy trì và phát triển tôn giáo. Anhxtanh nói: “Chỉ cần quan tâm một ít cũng đủ phát hiện ra được những xúc cảm từ đó nảy sinh ra tư tưởng và kinh nghiệm tôn giáo. Với những con người nguyên thủy, trước hết là sự sợ hãi đã gợi ra những ý niệm tôn giáo - sợ đói, sợ thú dữ, sợ bệnh tật, sợ chết. Vì ở giai đoạn này, sự hiểu biết về những mối liên hệ nhân quả thường còn ở trình độ rất thấp nên đầu óc con người thường tạo ra những ảo tưởng ít nhiều tương tự với ý thức của họ”. “Điều này được củng cố một bước quan trọng bởi sự hình thành một đẳng cấp tu sĩ, nó tự đặt mình ở địa vị trung gian giữa những con người và những vật mà họ sợ, và trên cơ sở đó mà nắm quyền thống trị họ. Trong nhiều trường hợp, một nhà nhà lãnh đạo, một nhà cai trị hay một giai cấp có đặc quyền đặc lợi đã kết hợp quyền lực trần thế của nó với thần quyền để làm cho thế quyền được vững chắc hơn; hoặc những nhà cai trị và đẳng cấp tu sĩ cấu kết với nhau vì lợi ích chung” (12). Đồng thời Anhxtanh cũng dự kiến sự mất hiệu lực (sự tiêu vong) của tôn giáo tôn thờ một vị Thượng đế được nhân cách hóa. Ông viết: “Chắc chắn rằng học thuyết về một vị Thượng đế có nhân tính can thiệp vào những sự kiện tự nhiên sẽ không bao giờ có thể bị bác bỏ hoàn toàn bởi khoa học, bởi vì học thuyết này luôn luôn tìm chỗ trú ẩn trong những lĩnh vực mà tri thức khoa học chưa thể đặt chân tới được. Nhưng tôi tin rằng thái độ như vậy về phía những đại biểu của tôn giáo không chỉ là hèn hạ (unworthy) mà còn tai hại (fatal) nữa. Bởi vì một học thuyết chỉ có khả năng duy trì sự tồn tại của mình không phải trong ánh sáng ban ngày mà chỉ trong bống tối, thì với những sai lầm vô kể của nó đối với tiến bộ của nhân loại, nó tất yếu sẽ mất hiệu lực đối với nhân loại” (13) . Theo Anhxtanh, sự tiến hóa tinh thần của loài người sẽ là sự thay thế hình thức tôn giáo dựa vào sự sợ hãi bị trừng phạt và niềm tin mù quáng bằng một tôn giáo vũ trụ (cosmic religion), tức một tôn giáo thực sự phấn đấu để đạt được tri thức lý tính về những bí mật của vũ trụ. Ông nói: “Sự tiến hóa tiếp theo về mặt tinh thần của nhân loại sẽ là con đường dẫn đến một tín ngưỡng chân chính không dựa trên sự sợ hãi trong cuộc sống, sợ hãi về cái chết và trên niềm tin mù quáng, mà thông qua sự phấn đấu cho nhận thức lý tính (rational knowledge)”... “Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ, tôn giáo dựa trên kinh nghiệm và từ bỏ giáo điều” (14). Cũng theo Anhxtanh, một khi tôn giáo đã từ bỏ giáo điều và niềm tin mù quáng vào một vị Thượng đế được nhân cách hóa, từ bỏ ảo tưởng về linh hồn bất tử và cuộc sống ở kiếp sau, tích cực phấn đấu cho nhận thức lý tính về thế giới và sự giải phóng cho con người khỏi những ham muốn dục vọng tầm thường để đề cao những giá trị đích thực trong cuộc sống, thì tôn giáo và khoa học sẽ đi với nhau “tay trong tay”. Lúc đó tôn giáo sẽ là nguồn cảm hứng của khoa học và nghệ thuật; còn khoa học sẽ cũng sẽ giúp ích cho tôn giáo rất nhiều. Anhxtanh nói: “Nếu một trong những mục đích của tôn giáo là làm hết sức mình để giải phóng cho nhân loại khỏi sự ràng buộc của những khao khát, ham muốn vị kỷ và sự sợ hãi, thì lý trí khoa học có thể giúp ích cho tôn giáo... Và đối với tôi, hình như khoa học không chỉ rửa sạch tôn giáo khỏi những rác rưỡi của của thuyến nhân hình**, mà còn góp phần cùng với tôn giáo trong việc đề cao những giá trị tinh thần của con người trong sự hiểu biết cuộc sống” (15). Anhxtanh cũng không tin vào sự hứa hẹn về “thiên đường” của các tôn giáo và ông đã chọn cho mình một thiên đường khác. Theo ông kể lại, mặc dù ông sinh ra trong một gia đình Do Thái không tôn giáo, nhưng giáo dục tôn giáo của nhà trường và xã hội đã biến ông thành người ngoan đạo. Tuy nhiên đến tuổi 12, nhờ tiếp xúc với khoa học ông dần dần đoạn tuyệt được với niềm tin mù quáng. Ông nói: “Nhờ đọc được những sách khoa học phổ thông, tôi nhanh chóng nhận ra rằng phần nhiều những câu chuyện trong Kinh thánh là không thể có thực” (16). Từ bỏ ảo tưởng về thiên đường của tôn giáo, Anhxtanh đã chọn con đường suốt đời cống hiến cho sự nghiệp khoa học để phục vụ nhân loại, và ông đã coi đó là “thiên đường” của mình. Ông nói: “Con đường dẫn đến thiên đường này không thoả mái, không quyến rũ bằng con đường dẫn đến thiên đường tôn giáo; nhưng nó đã tự chứng tỏ sự đáng tin cậy của nó, và tôi không bao giờ hối tiếc đã chọn con đường đó” (17) . --------------------------- (1), (2), (3) Peter A. Bucky, The Private Albert Einstein (Đời tư của Albert Einstein) , Kansas City, 1992, pp 85-87. (4), (5), (7), (10) . Helen Dukas and Banesh Hoffman, Albert Einstein: The Human Side (Albert Einstein:Khía cạnh nhân văn), Princeton University Press, 1979, pp 39-44, 66. (6) Albert Einstein, Out of my later years (Từ những năm tháng cuối đời tôi), New York, Philosophical Library, 1950. (8). Albert Einstein, Obituary in New York Times, 19 April 1955 (Lời cáo phó về Anhxtanh trên tờ New York Times ngày 19-4-1955). (9). Paul Arthur Schilpp, Albert Einstein: Philosopher-Scientist (Albert Einstein: nhà triết học - nhà khoa học), The Open Court Publishing Co., La Salle, Illinois, Third Edition, 1970, pp 659 - 660. (11), (12) Albert Einstein, The World as I see it (Thế giới theo cách nhìn của tôi), Philosophical Library, New York, 1949, pp 24-28. (13). Albert Einstein, Science, Philosophy, and Religion, A Symposium, published by the Conference on Science, Philosophy and Religion in Their Relation to the Democratic Way of Life, Inc., New York, 1941 (14), (15) Madalyn Murray O'Hair, All the Questions You Ever Wanted to Ask American Atheists (Tất cả những câu hỏi mà bạn muốn đặt ra cho những nhà vô thần Mỹ), 1982, vol. II, p. 29. (16), (17) Paul Arthur Schilpp, Albert Einstein's Autobiographical Notes, (Những điều lưu ý về tiểu sử của Albert Einstein), The Open Court Publishing Company, LaSalle and Chicago, Illinois, 1979, p.3. (*) Phiếm thần luận (Pantheism) - xuất phát từ tiếng latin: Pan=tất cả, Theos= Thượng đế - là khuynh hướng triết học cho rằng Thượng đế không phải là một thực thể tinh thần tối cao đứng trên giới tự nhiên và sáng tạo thế giới, mà trái lại Thượng đế cũng chính là giới tự nhiên. Đồng nhất Thượng đế với giới tự nhiên cũng có nghĩa là phủ nhận Thượng đế theo quan niệm tôn giáo thông thường, do đó những nhà phiếm thần luận cũng được coi là những nhà duy vật. (**) Thuyết nhân hình (anthropomorphism): khuynh hướng quy những thuộc tính quen thuộc của con người, như hình dạng, ngôn ngữ, tâm lý, tư tưởng … của con người cho những đối tượng khác (thần linh, thượng đế ) mà con người không biết.